An Nhơn chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

10:33, 14/08/2023 (GMT+7)

Gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận ở TX An Nhơn có dấu hiệu gia tăng. Trước tình hình đó, TTYT TX An Nhơn đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng để bảo vệ sức khỏe của trẻ em trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê của Khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT TX An Nhơn), tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn TX An Nhơn đã ghi nhận 23 ca mắc tay chân miệng. Mặc dù chưa ghi nhận ổ dịch tay chân miệng nhưng UBND thị xã đã chỉ đạo các ban, ngành, UBND các xã, phường tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Đồng thời, các hội, đoàn thể trên địa bàn cũng tăng cường công tác tuyên truyền vận động cộng đồng, dân cư thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Thời tiết đang nắng nóng, là điều kiện thuận lợi để bệnh tay chân miệng xuất hiện, lây lan. Từ đầu năm 2023 đến nay, thị xã ghi nhận 23 ca bệnh tay chân miệng, nhưng riêng từ đầu tháng 7 đến nay đã có 19 ca. Bác sĩ Lê Thế Phương, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật, cho biết: Bệnh nhân chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi; có triệu chứng nhẹ, nên nhập viện điều trị một thời gian ngắn, bệnh thuyên giảm và đã được xuất viện. Hiện TTYT thị xã đang điều trị 4 ca bệnh tại Khoa Truyền nhiễm. Theo dự báo thời tiết, những ngày nắng nóng vẫn còn kéo dài, vì thế cùng với các cấp chính quyền, ngành y tế thị xã tiếp tục chủ động phòng chống bệnh. Chỉ đạo trạm y tế xã, phường tăng cường công tác truyền thông, hướng đến các nhà trẻ, trường mẫu giáo, các gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ các ca bệnh đang điều trị, không để lan rộng vì bệnh này cực kỳ dễ lây nhiễm, nỗ lực xử lý kịp thời không để phát sinh ổ dịch.

Chị Nguyễn Thị Minh Trang - mẹ của bé Đặng Ngọc Diệp (SN 2019, ở xã Nhơn Hạnh) là một trong các bệnh nhân đang được điều trị bệnh tay chân miệng tại TTYT TX An Nhơn - cho biết: Do đã được truyền thông trước nên khi phát hiện cháu bị nổi hột và có vết loét ở miệng và lòng bàn tay, bàn chân, gia đình đưa cháu đến TTYT thị xã để thăm khám và điều trị ngay. Nhờ vậy chỉ sau 4 ngày điều trị, các vết loét ở miệng, tay, chân đã khô, tình trạng sức khỏe của cháu đã ổn định.

Xác định công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng quan trọng nhất là kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại các cơ sở giáo dục, trường học; Phòng Y tế, TTYT thị xã đã tích cực phối hợp với Phòng GD&ĐT thị xã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non phường Bình Định, cho biết: Nhà trường đã tăng cường công tác giữ vệ sinh, thường xuyên lau rửa các vật dụng, đồ chơi tiếp xúc với trẻ; giám sát sức khỏe của trẻ mỗi ngày nhằm phát hiện sớm các triệu chứng bệnh để kịp thời xử lý, không để bệnh lây lan trong nhà trường; thường xuyên hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách bằng xà phòng, sát khuẩn tay cũng như đảm bảo chế độ dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tuyên truyền đến giáo viên, phụ huynh học sinh về các triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. 

LÊ NGÂN

theo baobinhdinh.vn