Bình Định muốn kiểm toán không đưa kiến nghị 'dùng 268 tỷ đồng vốn Trung ương để GPMB là chưa phù hợp' vào kết luận
Dự thảo báo cáo của kiểm toán về dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định, đoạn Cát Tiến - Diêm Vân kiến nghị, 'tỉnh này sử dụng 268 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương để chi trả GPMB, là chưa phù hợp với quy định'. Tuy nhiên, Bình Định đề nghị không đưa nội dung kiến nghị này vào kết luận kiểm toán.
Đây là một phần nội dung, trong báo cáo tham gia ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo kiểm toán dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến – Diêm Vân, do UBND tỉnh Bình Định gửi Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV (kiểm toán), vào ngày 9/11.
Bình Định xin rút kinh nghiệm
Cụ thể, theo công văn của UBND tỉnh Bình Định, trong dự thảo báo cáo, kiểm toán kiến nghị việc Bình Định sử dụng 268 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (NSTW) để chi trả GPMB, là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Bởi, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh.
Với kiến nghị của kiểm toán, Bình Định viện dẫn các quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, Khoản 7, Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019, Điểm c, Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và phản hồi rằng, việc bố trí GPMB với số tiền 268 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho địa phương, là phù hợp và thuộc thẩm quyền quản lý nguồn vốn này của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, theo nhận xét và kiến nghị của kiểm toán, Bình Định cho biết, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nguồn thu tiền sử dụng đất bị hụt so với kế hoạch, nên ngân sách tỉnh chưa bố trí kịp nguồn vốn của địa phương, để đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB.
Dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến – Diêm Vân, được khởi công hồi tháng 4/2022, có tổng mức đầu tư hơn 2.674 tỷ đồng.
Ảnh: Dũ Tuấn.
Do đó, tỉnh đã sử dụng vốn NSTW hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho địa phương, để thực hiện công tác bồi thường GPMB. Việc này xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương.
Bình Định xin rút kinh nghiệm và hiểu rõ hơn về nội dung quy định tại trong thời Điểm c, Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014.
Ngoài ra, tới đây tỉnh sẽ bố trí hoán đổi phần NSTW đã chi cho bồi thường GPMB bằng vốn ngân sách tỉnh, để đảm bảo vốn NSTW chỉ thực hiện cho công tác xây lắp (Vì phần chi phí cho công tác bồi thường GPMB nhỏ hơn phần vốn ngân sách tỉnh thực hiện dự án theo Quyết định phê duyệt nên sẽ phù hợp để hoán đổi nguồn vốn).
Vì vậy, Bình Định đề nghị kiểm toán xem xét, không đưa nội dung kiến nghị này vào kết luận kiểm toán.
Kiểm toán kiến nghị vì tỉnh phê duyệt không tuân thủ Luật đầu tư công?
Vẫn theo dự thảo, kiểm toán kiến nghị về việc 'Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, không tuân thủ Điều 33 và Điều 36 Luật đầu tư công 2019.
Cụ thể, tỉnh đã không thẩm định và đánh giá khả năng huy động và cân đối nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác để thực hiện chương trình, dự án'.
Tuy nhiên, Bình Định cũng đề nghị kiểm toán không đưa kiến nghị nội dung này vào kết luận.
Bởi, tỉnh này cho rằng, việc phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công.
Việc huy động các nguồn vốn khác để thực hiện chương trình, dự án đối với tỉnh Bình Định không khả thi nên chỉ cân đối vốn đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Ngoài ra, theo dự thảo báo cáo, kiểm toán kiến nghị rằng, dự án có tổng mức đầu tư là 2.674.65 tỷ đồng. Trong đó, vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 phân bổ là 1.800 tỷ, vốn NSĐP cân đối phần còn lại là 874,65 tỷ đồng.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định đã phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSĐP giai đoạn 2021-2025 cho dự án với tổng số tiền là 420 tỷ đồng.
Như vậy, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSĐP cho dự án còn thiếu 454,65 tỷ đồng, là chưa phù hợp theo quy định Điều 51 Luật Đầu tư công và Điều 72 Luật Xây dựng.
Đường ven biển qua tỉnh Bình Định thuộc hệ thống ven biển quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyêt tại Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 18.1.2010. Tuyến đường được chia thành 8 dự án nhỏ để đầu tư trong nhiều giai đoạn.
(Trong ảnh, dự án đi qua khu nghỉ dưỡng ở thị trấn Cát Tiến, thuộc đoạn Cát Tiến - Mỹ Thành). Ảnh: Dũ Tuấn.
Về việc này, Bình Định lý giải, theo kết quả giao kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với dự án, hiện nay kế hoạch trung hạn ngân sách tỉnh còn chưa phân bổ phần còn lại so với Quyết định được phê duyệt là 454,65 tỷ đồng.
Dự án được bắt đầu triển khai năm 2022, đến nay thực hiện khoảng 40% khối lượng và nguồn vốn giai đoạn trung hạn ngân sách tỉnh cơ bản đáp ứng tốt theo tiến độ thực hiện dự án.
Trong năm 2024, trên cơ sở nguồn thu ngân sách của tỉnh và tiến độ thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục rà soát, trình HĐND tỉnh bổ sung phần ngân sách tỉnh còn lại vào kế hoạch trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, để chủ đầu tư hoàn thành dự án theo quy định. Tỉnh cũng đề nghị xem xét, không đưa nội dung kiến nghị này vào kết luận.
Dự thảo kiểm toán kiến nghị kiểm điểm, Bình Định lại muốn 'rút kinh nghiệm'
Trong dự thảo, kiểm toán kiến nghị kiểm điểm đối với tập thể cá nhân có liên quan đến các tồn tại, hạn chế về nội dung: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán còn tồn tại, hạn chế, sai sót.
Trong đó, lưu ý xác định trách nhiệm của đơn vị tư vấn đối với tồn tại, sai sót liên quan đến công tác thiết kế, lập dự toán. Các gói thầu, nội dung tồn tại, hạn chế về khảo sát, thiết kế chi tiết tại mục 2.1.2, Phần I; chi tiết các gói thầu có sai sót về dự toán tại Phụ biểu số 02/BCKT-DAĐT.
Tuy nhiên, Bình Định phản hồi rằng, dự án đi qua địa bàn có địa lý thủy văn và địa chất phức tạp với quy mô công trình lớn, yêu cầu kỹ thuật cao nên công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán còn một số nội dung tồn tại, thiếu sót.
Hiện nay, dự án đang triển khai thi công xây dựng đảm bảo tiến độ chất lượng công trình và đối với các nội dung tồn tại, hạn chế, sai sót này chưa có gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa gây thất thoát đối với công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Do vậy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban QLDA Giao thông tỉnh nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và sẽ chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công kiểm tra, rà soát hoàn thiện đầy đủ các bảng tính toán, hồ sơ, chỉ dẫn kỹ thuật, tài liệu chi tiết còn thiếu theo kết quả kiểm toán đã đánh giá.
Phối cảnh dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến – Diêm Vân. Ảnh: Dũ Tuấn.
Điều chỉnh thiết kế bảo vệ thi công – dự toán và tiến hành thương thảo, điều chỉnh Hợp đồng làm căn cứ nghiệm thu, thanh toán để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả kinh tế trong đầu tư xây dựng. Vậy nên, Bình Định đề nghị kiểm toán xem xét, đưa nội dung này vào mục chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Đối với kiến nghị của kiểm toán trong dự thảo, về việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm khi "Trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chưa phù hợp với quy hoạch hướng tuyến của dự án đã được phê duyệt". Bình Định đưa ra nhiều lý do, trong đó khẳng định, HĐND tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 15/6/2021 là cơ bản phù hợp với quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam. Tỉnh đề nghị kiểm toán xem xét, kiến nghị rút kinh nghiệm đối với nội dung này.
Trao đổi với Dân Việt, sáng 21/11, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định cho biết, Đoàn kiểm toán Nhà nước vẫn chưa ban hành kết luận chính thức, về dự án đường ven biển tỉnh Bình Định, đoạn Cát Tiến - Diêm Vân.
Kiểm toán làm việc nội dung gì tại dự án nghìn tỷ của Bình Định?
Theo tìm hiểu của Dân Việt, ngày 17/8/2023, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ đã ký quyết định, kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý sử dụng vốn đầu tư dự án đường ven biển tỉnh Bình Định, đoạn Cát Tiến - Diêm Vân. Địa điểm kiểm toán tại Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định.
Thời hạn kiểm toán 50 ngày kể từ ngày công bố quyết định, với nội dung kiểm toán về nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư thực hiện dự án, việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, kế toán và các chính sách pháp luật có liên quan.
Phạm vi kiểm toán, từ khi triển khai đến ngày 31/8/2023 và các thời kỳ, trước sau có liên quan.
Đoàn kiểm toán thực hiện nhiệm vụ do ông Trần Trí Thành – Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV làm Trưởng đoàn, ông Hoàng Đức Chính – Trưởng phòng thuộc Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV làm Phó trưởng đoàn kiêm Tổ trưởng. Ngoài ra, đoàn còn có 7 thành viên khác.
theo danviet.vn