Cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt
Ðó là một trong những chỉ đạo nổi bật của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải các hành chính tỉnh, tại Hội nghị công bố các chỉ số cải cách hành chính năm 2023 và triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2024, được tổ chức ngày 29.2.
Nhiều chỉ số giảm so với năm 2022
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
Chỉ số tổng hợp CCHC năm 2023 của khối các cơ quan thuộc UBND tỉnh có giá trị trung bình đạt 87,9%, giảm 1,26% so với năm 2022. Nhóm 1 (có kết quả Chỉ số CCHC từ 90% trở lên) gồm Văn phòng UBND tỉnh (dẫn đầu với chỉ số 96,38%), Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và Thanh tra tỉnh.
Chỉ số tổng hợp CCHC năm 2023 của khối UBND các huyện, thị xã, thành phố có giá trị trung bình đạt 81,02%, giảm 0,61% so với năm 2022. TX Hoài Nhơn là địa phương dẫn đầu với kết quả chỉ số CCHC đạt 89,40%.
Chỉ số tổng hợp CCHC năm 2023 của một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có giá trị trung bình đạt 81,26%. Không có cơ quan đạt mức độ nhóm 1, tất cả đều đạt ở nhóm 2. Cục Thuế tỉnh là cơ quan dẫn đầu có kết quả chỉ số CCHC là 82,03%.
Kết quả đo lường sự hài lòng, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của 18 cơ quan thuộc UBND tỉnh đạt 85,15%, thấp hơn kết quả khảo sát của năm 2022 (đạt 90,38%). Sở VH&TT tăng hạng với chỉ số hài lòng đạt 91,67% và cũng là cơ quan duy nhất có tỷ lệ hài lòng trên 90%.
Theo kết quả đo lường sự hài lòng đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, giá trị trung bình năm 2023 là 79,49%, giảm 7,4% so với năm 2022. Năm 2023, có 4/11 địa phương đạt chỉ số hài lòng cao hơn giá trị trung bình. TX Hoài Nhơn vươn lên 4 bậc so với năm 2022 để xếp vị trí đầu bảng (87,43%).
Trong khi đó, chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) của các sở, ban, ngành năm 2023 có điểm trung vị đạt 72,48 điểm. Xét về tính đồng đều giữa 22 cơ quan được đánh giá, điểm số của cơ quan dẫn đầu đạt 80,71 điểm và điểm số của cơ quan xếp cuối đạt 61,5 điểm, cách nhau 19,21 điểm. Điều này cho thấy chất lượng điều hành của các cơ quan đang có sự chênh lệch từ góc nhìn của DN.
“Bảng xếp hạng DDCI cấp địa phương tỉnh Bình Định năm 2023 khảo sát đánh giá, ghi nhận mức độ nỗ lực và hành động, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh địa phương với điểm đạt là 72,96 điểm. Điểm số này cao hơn điểm số của cấp sở, ban, ngành, cho thấy cấp địa phương về cơ bản được các DN đánh giá cao hơn cấp sở, ban, ngành”, ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển KT-XH (Sở KH&ĐT), nhận định.
Cần tạo được sự đột phá
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác CCHC, hoàn thành mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, kết quả công tác CCHC của tỉnh thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước và nhóm 3 địa phương dẫn đầu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC. Đồng thời, thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của người đứng đầu, bám sát các chương trình, kế hoạch, đề án và các quy định hiện hành về CCHC để triển khai thực hiện, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp đột phá.
Mặt khác, phải tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Tăng cường và nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền với người dân, DN nhằm giải quyết kịp thời những ý kiến phản ánh, những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế. Chú trọng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng nhất cho nhà đầu tư, DN.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Ưu tiên đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tái sử dụng kết quả số hóa và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ giải quyết TTHC. Thực hiện thực chất việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; triển khai hiệu quả mô hình thực hiện TTHC phi địa giới hành chính và mô hình “hành chính phục vụ người dân”…
Những điểm nổi bật của công tác CCHC năm 2023
- Công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều đổi mới theo phương châm “lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ”: Liên thông, Trực tuyến, Thực chất và Hiệu quả.
- Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, bộ máy chính quyền từng bước chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang phục vụ với những đổi mới trong phương thức điều hành.
- Cải cách tài chính công tiếp tục được chú trọng, tập trung vào công tác chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao năng lực tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đạt được một số kết quả tích cực, nhất là đối với kết quả của Đề án 06.
NGUYỄN MUỘI