Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Sáng 23.12, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14.12.2023.
Quy hoạch tỉnh là khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất, là “xương sống” để Bình Định tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển KT-XH, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; gắn kết quy hoạch tỉnh thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển, cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Quy hoạch tỉnh là khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất, là “xương sống” để Bình Định tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển KT-XH, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Tại hội nghị này, sau phần công bố và trao quyết định quy hoạch tỉnh, các đại biểu sẽ thảo luận, chia sẻ ý kiến nhằm làm rõ hơn các mục tiêu, tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của Bình Định, những định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị cũng sẽ được nghe phát biểu tham luận của các nhà đầu tư, DN đánh giá về lợi thế, môi trường đầu tư của Bình Định; thông tin về hoạt động đầu tư và định hướng đầu tư phát triển của DN vào Bình Định thời gian tới. Các đại biểu dự hội nghị cũng sẽ chứng kiến lễ trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát; trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các tập đoàn, DN; ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư với các đối tác.
Bình Định thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Theo Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu năm 2030, xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa…
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Quy hoạch xác định xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Xác định 5 trụ cột và 3 khâu đột phá phát triển
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn năm 2050 xác định 5 trụ cột và 3 khâu đột phá phát triển. 5 trụ cột phát triển, cụ thể là tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao. Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng.Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics, nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ cảng biển - logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh. Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển, trong đó phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Trong ảnh: Giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế UIM-F1H20 và UIM-ABP Aquabike sẽ được tổ chức tại Bình Định từ năm 2024. Ảnh: F1H2O |
3 khâu đột phá, đó là xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh; hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng; kết nối với Cảng hàng không Phù Cát, Cảng Quy Nhơn; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương.
Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.
Thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch thu hút, đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác với các trường Đại học hàng đầu trong việc đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), trí tuệ nhân tạo (AI).
3 khâu đột phá trong quy hoạch tỉnh, đáng chú ý hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh. Trong ảnh: Đầu tư tuyến đường ven biển đi qua địa bàn TX Hoài Nhơn.Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Xác định các phương án đầu tư phát triển
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn năm 2050, xác định rõ phương án tổ chức các hoạt động KT-XH (tổ chức liên kết không gian các hoạt động KT-XH; sắp xếp không gian phát triển cho các hoạt động KT-XH; phát triển những khu vực có vai trò động lực; phát triển những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn) phương án phát triển hệ thống đô thị, nông thôn (phát triển hệ thống đô thị; quy hoạch hệ thống nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời kỳ 2023 - 2030); phương án quy hoạch các khu chức năng (khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp); phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông, mạng lưới cấp điện, mạng lưới thông tin và truyền thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, các khu xử lý chất thải, PCCC); phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội (mạng lưới y tế và chăm sóc sức khỏe, hạ tầng an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, văn hóa và thể thao, thương mại, dịch vụ)…
Danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện
Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các giải pháp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH để đầu tư và thu hút đầu tư theo các tiêu chí: Dự án phải phục vụ cho các trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định trong giai đoạn tới, dự án tạo ra hạ tầng khung để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ phát triển KT-XH, dự án đảm bảo ổn định sản xuất, an toàn nguồn nước, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương, dự án cần thiết đầu tư để đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh và các quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia khác có liên quan đến tỉnh Bình Định nhằm bảo đảm phát huy hiệu quả, sức lan tỏa và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
Trên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, Bình Định mời gọi đầu tư các nhà máy chế biến: Gia súc, gia cầm; thực phẩm; thực phẩm chức năng; thủy sản (tôm, cá ngừ đại dương..); lâm sản; rau, củ, quả; trái cây, nước trái cây. Trên lĩnh vực công nghiệp, Bình Định mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tại Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh. Cùng với đó là thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất: Linh kiện ô tô; sản xuất và lắp ráp ô tô; động cơ chuyên dùng; dây và cáp điện, thiết bị và phụ kiện điện; sản xuất mặt hàng thời trang cao cấp; dày da cao cấp. Thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm sản xuất phần mềm, sản xuất ứng dụng công nghệ AI và trung tâm dữ liệu (Big Data).
Lĩnh vực dịch vụ cảng và logistics, tỉnh mời gọi đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Phù Mỹ, Cảng cạn ICD, logistics Vân Canh, Cảng cạn ICD, logistics Tuy Phước và Trung tâm logistics Phù Mỹ
Trên lĩnh vực du lịch, thu hút đầu tư 3 khu du lịch: Tân Thanh (huyện Phù Cát), Eo Vượt, sinh thái đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn) và thu hút đầu tư khu khách sạn cao cấp K200, khu vui chơi giải trí Night Paradise Nhơn Hội (TP Quy Nhơn). Cũng trên lĩnh vực du lịch, tỉnh thu hút đầu tư các dự án khu du lịch đồng bằng, miền núi, như: Dự án đầu tư khu du lịch trải nghiệm hồ Hưng Long và dự án đầu tư nông trại kết hợp du lịch trải nghiệm hồ Đồng Mít (huyện An Lão), dự án khu du lịch sinh thái La Vuông (TX Hoài Nhơn), khu du lịch sinh thái Vĩnh Thạnh và khu du lịch sinh thái trải nghiệm Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), khu du lịch văn hóa làng dệt thổ cẩm Hà Văn Trên (huyện Vân Canh), dự án sân golf Tây Sơn (huyện Tây Sơn).
Nhiều tập đoàn, DN nước ngoài tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. Ảnh: TIẾN SỸ |
Lĩnh vực kinh tế đô thị, Bình Định mời gọi đầu tư xây dựng các khu đô thị Nam và Bắc đầm Đề Gi, các khu đô thị phía Đông đầm Thị Nại.
Bình Định định hướng mời gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở KH&ĐT), Bình Định đang định hướng mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực như: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; công nghiệp; dịch vụ cảng và logistics; du lịch; kinh tế đô thị với nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư. |
Nhóm PV KT-VH-XH
theo baobinhdinh.vn