KỶ NIỆM 80 NĂM RA ÐỜI “ÐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” (1943 - 2023): Ðường lối văn hóa của Ðảng không ngừng bổ sung, phát triển

09:20, 24/03/2023 (GMT+7)

Ðảng luôn coi trọng vai trò của văn hóa. Các chủ trương, đường lối của Ðảng về xây dựng, phát triển văn hóa luôn nhất quán, không ngừng được bổ sung, phát triển qua từng thời kỳ cách mạng.

Văn hóa cũng là một mặt trận

Năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, xác định 3 mặt trận quan trọng của cách mạng Việt Nam là chính trị, kinh tế và văn hóa. Đồng thời, nhấn mạnh chủ trương phát triển nền văn hóa Việt Nam với các đặc trưng “dân tộc, khoa học, đại chúng”.

Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời mang tầm nhìn chiến lược của Đảng. Từ đó, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia cách mạng; phát huy vai trò của văn hóa, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, góp phần vào những thắng lợi vẻ vang trên chiến trường.

Trong giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Đại hội lần thứ III (1960), Đảng đã xác định văn hóa, tư tưởng là một cuộc cách mạng, tiến hành đồng thời, gắn bó chặt chẽ với cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học kỹ thuật. Tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, thiết thực, phục vụ sự nghiệp cách mạng XHCN.

Từ sau Đại hội lần thứ III đến năm 1975, Đảng tiếp tục chú trọng phát huy vai trò quan trọng của văn hóa đối với nhiệm vụ vừa kiến quốc, vừa kháng chiến. Qua đó, huy động đông đảo các lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp sức vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

Văn hóa là nguồn lực nội sinh

Bước vào giai đoạn thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng đã kế thừa và phát triển tư duy lý luận về văn hóa, chăm lo phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đảng đã có nhiều nghị quyết mang ý nghĩa chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam. Có thể kể đến: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28.11.1987 về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về “Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt”; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”…

Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) nhấn mạnh vấn đề xây dựng con người Việt Nam, với trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng tiếp tục chú trọng “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH”.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định những quan điểm, nhiệm vụ đã nêu từ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Cùng với đó, bổ sung, phát triển, làm sâu sắc hơn một số vấn đề lý luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; xác định một số nhiệm vụ mới về xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.

Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam là nền tảng, động lực, nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ 4 trụ cột vững chắc để xây dựng và phát triển bền vững đất nước: “Phát triển KT-XH là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Kết hợp giá trị truyền thống với giá trị thời đại

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tổ chức ngày 24.11.2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh định hướng: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”.

Từ định hướng của Tổng Bí thư, yêu cầu quan trọng đặt ra là tiếp tục có những giải pháp phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao để giữ gìn, phát huy các hệ giá trị trong thế đan xen, hòa quyện, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển trong bối cảnh, tình hình mới.

theo baobinhdinh.vn