“Mổ xẻ” từng vấn đề của ngành y tế để tìm hướng giải quyết

09:53, 29/03/2023 (GMT+7)

Ngày 28.3, UBND tỉnh tổ chức họp nghe báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của ngành y tế. Tại đây, các vướng mắc, đề xuất của ngành y tế cũng được các cấp, sở, ngành cùng tìm hướng giải quyết trên tinh thần tạo thuận lợi cho ngành y tế tập trung nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cuộc họp do đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí: Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Cụ thể hóa từng nhiệm vụ, thảo luận nhiều vấn đề

Theo báo cáo của Sở Y tế, năm 2022, ngành y tế thực hiện đạt và vượt 6/6 chỉ tiêu y tế - dân số tỉnh giao. Chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao từ y tế dự phòng, dân số, khám chữa bệnh... đến các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân.

Năm 2023, ngành y tế quyết tâm tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ tỉnh giao, đặc biệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số. Để cụ thể từng mục việc thực hiện trong năm, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Sở Y tế đã đề ra 19 nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành và đăng ký tiến độ thực hiện, hoàn thành theo từng tháng, từng quý nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Tại cuộc họp, lãnh đạo ngành và các cơ sở y tế đã nêu lên những vướng mắc, khó khăn của ngành, đơn vị trong thời gian qua. Đa số khó khăn tập trung vào các vấn đề như: Đào tạo nguồn nhân lực; công tác tuyển dụng; đầu tư cơ sở vật chất; khám chữa bệnh BHYT; tự chủ tài chính; mua sắm, đấu thầu; chế độ tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế; nâng hạng chức danh nghề nghiệp cho nhân viên làm trong ngành y tế nhưng có chức danh nghề nghiệp là các chuyên ngành khác như tài chính, công nghệ thông tin; chất lượng khám chữa bệnh; phân cấp mua sắm tài sản; chuyển đổi số...

Đáng chú ý, nhiều cơ sở y tế cho biết khám chữa bệnh BHYT gặp rất nhiều khó khăn. Liên quan vấn đề này, ông Lê Quang Hùng cho biết: Các quy định về giám định, thanh quyết toán giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh; cụ thể là quy định về dự toán, tổng mức thanh toán ảnh hưởng rất lớn đến tài chính và chuyên môn của các đơn vị (chi phí khám, chữa bệnh đã được cơ quan BHXH tỉnh giám định là hợp lệ và đủ điều kiện thanh toán nhưng vẫn chưa được thanh toán vì các lý do vượt quỹ, vượt tổng mức thanh toán). Hơn nữa, nhu cầu về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, giá dịch vụ có sự điều chỉnh tăng, các kỹ thuật cao được thực hiện tại tuyến y tế cơ sở càng nhiều... nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là mục tiêu hướng tới nhưng điều này lại mâu thuẫn với khả năng cân đối quỹ BHYT.

Đối với Bệnh viện Tâm thần Bình Định, bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện, cho biết: Trước kia, chương trình mục tiêu thực hiện cấp thuốc cho bệnh nhân tại y tế cơ sở rất thuận lợi nhưng từ năm 2021 đến nay không cấp tại xã, phường nữa mà cấp qua BHYT. 6.500 bệnh nhân ở các địa phương xa phải tốn thời gian, công sức đến bệnh viện chỉ để xin vài viên thuốc. Do rất phiền nên một số bệnh nhân có dấu hiệu bỏ lửng việc điều trị, tạo nguy cơ không nhỏ cho xã hội về sau.

Đối với việc các chuyên gia đầu ngành tham gia hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật tại BVĐK tỉnh, TS.BS Nguyễn Hoành Cường, Giám đốc BVĐK tỉnh, chia sẻ: Bệnh viện có hợp tác với nhiều bệnh viện tuyến trên để chuyển giao kỹ thuật. Điều này không chỉ tốt trong đào tạo nhân lực mà còn nâng cao chất lượng điều trị cho nhân dân. Tuy nhiên, kinh phí để hỗ trợ cho các chuyên gia này lại chưa thể sắp xếp.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở y tế rất lo lắng với vấn đề nhân viên y tế bỏ việc do thu nhập thấp. Bác sĩ CKII Trần Quốc Việt, Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn, cho hay: BVĐK khu vực Bồng Sơn là 1 trong 3 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên của tỉnh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động khám, chữa bệnh không đảm bảo, thu nhập của nhân viên thấp nhiều so với trước.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Lý giải về vấn đề liên quan đến BHXH, ông Trương Đề, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, thông tin: Vấn đề giám định ngày càng chặt chẽ hơn. Bộ Y tế có Quyết định 130/QĐ-BYT ngày 18.3.2023 quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan. BHXH cũng có Quyết định 3618/QĐ-BHXH ban hành quy trình giám định BHYT. Từ ngày 31.3 đến ngày 1.9, chúng ta sẽ chạy thử trước khi thực hiện. Riêng vấn đề lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần nêu, tôi nghĩ Sở Y tế nên có đề nghị Bộ Y tế có thông tư riêng như Thông tư 36/2021/TT-BYT về quy định khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao để tạo thuận lợi cho bệnh nhân tâm thần.

Việc Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND tỉnh gây ra một số trở ngại, khiến các cơ sở y tế khó chủ động mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết sẽ chỉ đạo sửa chữa để tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện, mục tiêu quan trọng nhất là tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đối với việc ngành y tế đề nghị cho phép các thí sinh đạt kết quả kỳ tuyển dụng viên chức nhưng không được tuyển dụng (vì đã hết chỉ tiêu theo vị trí tuyển dụng) được chuyển sang các vị trí tuyển dụng khác (có chỉ tiêu nhưng chưa tuyển được viên chức vì không có thí sinh đạt kết quả tuyển dụng hoặc không có người dự tuyển), chỉ đạo ngành y tế và Sở Nội vụ nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh gợi ý: Có thể cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng khi tham gia kỳ thi!

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành phải lắng nghe ý kiến của ngành y tế để cùng tháo gỡ khó khăn, trong phạm vi thẩm quyền có thể làm thì làm ngay chứ không “đánh võng”, nhìn ngó nhau. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở Y tế hoàn thiện mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị; sớm có đề án quy hoạch bài bản, căn cơ từ tỉnh đến huyện, xã trình HĐND tỉnh để có chiến lược đầu tư bài bản, khoa học, dài hơi. Ngành y tế phải xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực y tế đến năm 2030. Về chế độ chính sách đối với ngành y tế, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đây là ngành đặc thù, nếu chính sách vướng thì phải thay đổi cho phù hợp. Đối với các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên, toàn bộ những hoạt động mà ngân sách nhà nước chi được mà không vướng sẽ do nhà nước chi; quỹ của bệnh viện sẽ dành tập trung cho công tác đào tạo cũng như thu nhập của nhân viên y tế. Về phân cấp phân quyền trong cơ chế tài chính, đối với ngành y tế phải có quy định riêng, không đánh đồng. Việc gì phân cấp được thì phân cấp để tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế, hướng đến nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

theo baobinhdinh.vn