PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI: Thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất

10:22, 29/08/2023 (GMT+7)

Ðó là yêu cầu của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh đặt ra tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”, diễn ra ngày 28.8.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: N.H

5 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU (CTHĐ số 11), nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ được các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả.

Các chương trình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, dự án liên kết sản xuất tiếp tục đem lại hiệu quả thiết thực. Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, VietGAP… ngày càng tăng, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được cấp nhãn hiệu. Phương thức chăn nuôi được chuyển dịch đúng hướng, từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, gắn với đầu tư chuồng trại, trang thiết bị hiện đại.

Công tác trồng rừng cây gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) được quan tâm, đẩy mạnh. Ứng dụng công nghệ cao trong khai thác thủy sản tiếp tục được tăng cường, nhất là khâu bảo quản sản phẩm sau khai thác.

Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung, xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm được quan tâm; cơ sở hạ tầng nghề cá, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư, nâng cấp.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành NN&PTNT trong năm 2021 tăng 3,15%; năm 2022 tăng 3,26%; 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,27% (chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025 tăng từ 3,2 - 3,6%).

Đến nay đã có 5 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với mục tiêu đến năm 2025 gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành NN&PTNT, diện tích trồng rau an toàn được chứng nhận VietGAP, sản lượng khai thác thủy sản, sản lượng khai thác xa bờ, công nhận sản phẩm OCOP.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong ấp nở gà giống tại Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư. Ảnh: T.LỢI

Khắc phục 3 vấn đề cốt lõi

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện CTHĐ số 11 vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định. Công tác dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm, định hướng sản xuất nông nghiệp theo từng thời điểm cụ thể, thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cũng như việc nhân rộng các mô hình công nghệ cao còn hạn chế. Việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thực hiện còn lúng túng. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh nhưng chưa bền vững.

Khẳng định vai trò, vị thế của ngành Nông nghiệp trong tiến trình phát triển của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu khắc phục 3 vấn đề cốt lõi đặt ra trong sản xuất nông nghiệp. Đó là nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích; xây dựng các chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất; tạo đầu ra thuận lợi cho nông sản.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần vận dụng linh hoạt, hiệu quả, tổ chức thực hiện quyết liệt 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã nêu trong CTHĐ số 11 và dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ.

Các cấp, các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp chú trọng bố trí nhân lực, kinh phí để tăng cường phối hợp, hợp tác chặt chẽ, bài bản với các viện, các cơ quan nghiên cứu, đổi mới nội dung nghiên cứu, đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT, nhân rộng các mô hình mới, hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiếp tục duy trì, mở rộng các phiên chợ nông sản, hình thành các HTX chuyên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa... để quảng bá và phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân.

Tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống nước sạch, các hồ, đập, kênh mương; hiện đại hóa trung tâm hậu cần nghề cá; xử lý các vấn đề môi trường nông thôn... Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư vào sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh sớm đi vào hoạt động.

Các ngành chức năng của tỉnh rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách mới khả thi, phù hợp để thúc đẩy, phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, chú ý tăng cường bố trí nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh, gắn với sự linh động trong hoạt động cho vay của ngân hàng, nhằm đảm bảo nguồn vay cho người dân…   

 “Cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Có biện pháp xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu quan tâm sâu sát, thiếu chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”. - Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG

 

*“Đến nay, trên địa bàn huyện có 55 ha bưởi da xanh đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các sản phẩm bưởi da xanh, trà Gò Loi, dừa xiêm Hoài Ân đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Huyện đang tiếp tục đề nghị cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu đối với các sản phẩm tiêu hột, mít thái, gạo hữu cơ. Đồng thời triển khai thực hiện cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện”.

Bí thư Huyện ủy Hoài Ân NGUYỄN ĐẶNG THỊ THU HÒA

 

* “Trong quá trình triển khai thực hiện CTHĐ số 11, huyện Phù Cát gặp một số hạn chế, khó khăn. Trên địa bàn chưa có cơ sở chế biến rau, quả quy mô, công nghệ phù hợp với đặc thù và khả năng sản xuất nguyên liệu tại địa phương. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi tuy đạt kế hoạch nhưng tiến độ còn chậm so với yêu cầu. Các HTX tuy có củng cố, kiện toàn nhưng trình độ, năng lực của giám đốc các đơn vị còn hạn chế, hoạt động cầm chừng, chưa thể hiện được vai trò bệ đỡ cho bà con xã viên”.

Chủ tịch UBND huyện Phù Cát NGUYỄN VĂN HƯNG

 

* “Để tạo đầu ra thuận lợi cho nông sản, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng, phát triển thị trường cho các cơ sở, DN, đưa các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, kết nối thị trường tìm đầu ra xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh. Thúc đẩy phát triển loại hình thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại điện tử”.

Giám đốc Sở Công Thương NGÔ VĂN TỔNG

NGUYỄN HÂN