Phòng, chống bệnh tay chân miệng: Ðảm bảo đủ thuốc, giám sát chặt chẽ

14:27, 01/08/2023 (GMT+7)

Thời gian gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng, trái ngược với giai đoạn trước đó. Trong tuần gần đây (từ ngày 19 - 25.7), tỉnh Bình Ðịnh phát hiện 99 ca bệnh tay chân miệng, trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã ghi nhận các ca tử vong.

Cứu sống một trường hợp “thập tử nhất sinh”

Ngày 28.7, tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, bé T.K.D (14 tháng tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) vừa cai máy thở sau thời gian được lọc máu. Trước đó 1 tuần, bé D. vào viện với tình trạng mắc bệnh tay chân miệng (TCM) ở mức độ 2b và được nằm ở phòng hồi sức nhi để các bác sĩ theo dõi.

Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng của bé D. có dấu hiệu nặng lên, các bác sĩ Khoa Nhi quyết định dùng Gamma Globulin để điều trị. Tuy nhiên bệnh trạng của bé vẫn không chuyển biến tốt; đến ngày hôm sau bệnh nhân có tình trạng rối loạn hô hấp và có những cơn ngừng thở, sốt cao 40 - 41 độ C. Các bác sĩ nhận định ca bệnh đang ở mức độ 3 và quyết định đặt nội khí quản và cho thở máy, tiếp tục điều trị theo phác đồ bệnh TCM mức độ 3.

Bé T.K.D (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) mắc bệnh tay chân miệng nặng được đội ngũ bác sĩ khoa Nhi (BVĐK tỉnh) điều trị tích cực đã vượt qua cơn “thập tử nhất sinh”. Ảnh: Đ. THẢO

Dù vậy bệnh vẫn tiếp tục có dấu hiệu nặng lên, có tình trạng tổn thương não, dấu hiệu thở nấc, bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi, kể: Lúc này, chúng tôi nhận định đây là ca bệnh mức độ 4, cần tiến hành lọc máu gấp. Ra quyết định như vậy và chỉ trong vòng 30 phút, chúng tôi huy động toàn bộ ê kíp lọc máu của Khoa để tiến hành lọc máu ngay cho bệnh nhân. Sau khi lọc máu được 13 giờ đồng hồ, tình trạng của bệnh nhân tốt lên nhưng vẫn chưa ổn định nên chúng tôi quyết định tiếp tục lọc máu chu kỳ 2 thêm gần 24 giờ đồng hồ nữa. Sau hơn 36 giờ được lọc máu, bệnh trạng của cháu T.K.D. dần ổn định. Chúng tôi tiến hành ngưng lọc máu nhưng vẫn cho thở máy và dùng kháng sinh. Đến ngày 28.7, tức là sau khoảng 1 tuần điều trị, cháu đã cai được máy thở và tiếp tục được theo dõi sát sao.

Nói về các mức độ và sự nguy hiểm của bệnh TCM, bác sĩ Dũng chia sẻ thêm: Giới chuyên môn chia tình trạng bệnh TCM ra 4 mức độ. Mức độ 1 là tổn thương ở da. Mức độ 2 tổn thương lên thần kinh, trong đó 2a tổn thương nhẹ, 2b bắt đầu tổn thương nặng hơn, đây là thời điểm vàng, nếu chúng ta dùng Gamma Globulin và bệnh nhân đáp ứng tốt sẽ giảm triệu chứng. Nếu như bệnh nhân tiếp tục chuyển biến sang độ 3, bệnh nhân có tình trạng rối loạn đường thở, đây là giai đoạn buộc phải cho thở máy, dùng thuốc hạ huyết áp nếu bệnh nhân có tăng huyết áp. Rất hiếm bệnh diễn biến đến mức độ 4, đến mức độ này, nguy cơ tử vong rất cao, nếu không lọc máu thì có thể 100% tử vong. Ngay cả khi lọc máu thì vẫn có thể có đến 50% khả năng tử vong. Nếu để muộn thì dù cứu được cũng gây tổn thương não biến chứng rất nặng. Rất may, với trường hợp cháu D., chúng tôi rất chủ động cho lọc máu sớm.

 Điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh. Ảnh: Đ. THẢO

Kiểm soát chặt tình hình

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong tuần từ ngày 19 - 25.7, toàn tỉnh phát hiện 99 ca bệnh TCM mắc mới, gồm: TP Quy Nhơn 30 ca, Tuy Phước 22 ca, Phù Cát 14 ca, Phù Mỹ 11 ca, Hoài Nhơn 7 ca, Tây Sơn 5 ca, Hoài Ân 3 ca, Vĩnh Thạnh 3 ca, An Nhơn 2 ca, Vân Canh 1 ca, An Lão 1 ca; tăng 20 ca so với tuần trước đó.

TP Quy Nhơn là địa phương có số mắc TCM cao nhất tỉnh với 97 ca (tính đến ngày 26.7), trong đó có 2 ca nặng (1 ca ở phường Lý Thường Kiệt, 1 ca ở phường Nguyễn Văn Cừ), chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh TCM lưu hành ở 19/21 xã, phường, trong đó số xã, phường có ca mắc cao như: Đống Đa và Nhơn Phú có 13 ca, Hải Cảng 9 ca. Hiện tại, TP Quy Nhơn tăng 76 ca bệnh và 2 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2022. TTYT TP Quy Nhơn đã phát hiện và xử lý 3 ổ dịch tại Trường Mầm non Minh Đức (phường Trần Hưng Đạo), Trường Mầm non Sao Mai (phường Hải Cảng), Trường Mầm non Nắng Hồng (phường Nguyễn Văn Cừ).

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Nguyễn Văn Trung chia sẻ: TTYT tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để, tránh để dịch lây lan ra diện rộng. Tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị TCM; phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị giữa bệnh TCM, bệnh sởi viêm phổi và viêm đường hô hấp khác...

Là địa phương có số ca TCM cao chỉ sau TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước cũng đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo TTYT, Phòng Y tế, Phòng GD&ĐT phối hợp tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý, tránh để phát sinh dịch bệnh từ các cơ sở giáo dục, mầm non, giữ trẻ chưa được địa phương quản lý và tại các khu vui chơi trẻ em trên địa bàn

Nhận định về tình hình dịch bệnh, bác sĩ Phạm Văn Dũng cho biết: Sáng 28.7 Khoa Nhi có 31 ca TCM, trong đó có 3 ca nặng, có biến chứng. Phần lớn là bệnh nhân ở Bình Định và Phú Yên vì Phú Yên hiện không có thuốc Gamma Globulin và chưa thể lọc máu nên các ca bệnh nặng đều được chuyển ra Bình Định điều trị. Hiện tại vấn đề TCM đang rất phức tạp vì đang ở đỉnh điểm của dịch và vi rút gây bệnh là EV71, có khả năng gây bệnh nặng trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên do tỉnh ta sớm chủ động phòng ngừa nên vấn đề thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế tạm thời tương đối đủ.

Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Số ca TCM tại Bình Định đang có xu hướng tăng nhẹ. Đồng thời trong tình hình TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác đã có ca nặng và tử vong, chúng tôi cũng chỉ đạo quyết liệt về công tác tuyên truyền, giám sát ca bệnh, đặc biệt là điều trị ca nặng. BVĐK tỉnh điều trị cho rất nhiều ca nặng ở các tỉnh, thành khác nhau, kỹ năng điều trị ổn, và chúng tôi đang chỉ đạo đảm bảo thuốc cho TCM như Gamma Globulin. Nhìn chung, chúng tôi đang kiểm soát chặt chẽ.

ĐỖ THẢO