Triển khai kế hoạch ngăn chặn vi phạm IUU: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp

09:46, 02/03/2023 (GMT+7)

Sau nhiều nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” về thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), tháng 2.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị kế hoạch làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4. Kế hoạch nêu rõ, các bộ, ngành và địa phương tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU.

Theo Kế hoạch, tới tháng 5.2023, các bộ, ngành, địa phương rà soát, thống kê số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định. Cùng với đó, cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); lâp danh sách các tàu cá không tham gia khai thác, tàu cá có nguy cơ cao gởi các cơ quan chức năng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân theo dõi; chấm dứt hiện tượng tàu cá vi phạm IUU và 100% vụ việc vi phạm phải xử lý nghiêm. Trên cơ sở của Kế hoạch này, Ban chỉ đạo IUU tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo IUU tỉnh, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) lập danh sách theo dõi, kiểm tra những tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để cảnh báo và xử lý theo đúng quy định nếu có vi phạm. Qua rà soát, toàn tỉnh có 318 tàu thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh nằm ở nhóm có nguy cơ cao vi phạm IUU.

Thực hiện giám sát hoạt động tàu cá ra vào cảng thông qua hệ thống camera. Ảnh: THU DỊU

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: “Nhóm 318 tàu này chủ yếu là tàu cá có chiều dài dưới 15 m (trong đó chỉ có 89 tàu dài trên 15 m) hoạt động trên 20 năm; hiện tập trung thường xuyên ở các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu (215 tàu), Tiền Giang (44), Bình Thuận (21), Cà Mau (16), Kiên Giang (10), Khánh Hòa (10) và Ninh Thuận (2). Chủ của 15 trong số 318 tàu cá đã chuyển hộ khẩu tới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ lâu nhưng chưa chuyển đăng ký tàu cá đến nơi ở mới; 71 chiếc khác đã sang nhượng nhưng chủ mới chưa thực hiện sang tên đổi chủ. Sau cuộc làm việc với UBND tỉnh ngày 28.2, đầu tháng 3.2023, ngành nông nghiệp thành lập 2 tổ công tác vào các tỉnh này để làm việc với ngư dân, yêu cầu ngư dân thực hiện đúng các quy định. Trong thời gian chờ thực hiện các thủ tục chuyển đổi, sang nhượng…, UBND tỉnh hỗ trợ để đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống”.

Cùng với đó, Chi cục Thủy sản tổ chức phân công trực Trung tâm giám sát tàu cá 24/24 và công bố số điện thoại đường dây nóng để theo dõi, tiếp nhận thông tin, phát hiện và xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển. Từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua phần mềm hệ thống giám sát tàu cá tại Trung tâm, đã phát hiện và cảnh báo 1 lượt tàu/1 tàu vượt ranh giới khai thác cho phép trên biển, 213 lượt/100 tàu mất kết nối thường xuyên, 1 tàu mất kết nối trên biển hơn 10 ngày.

Cùng với đó, tổ IUU tại các cảng cá triển khai các nhiệm vụ trong giám sát tàu cá ra/vào cảng, xác thực nguồn gốc sản phẩm. Từ đầu năm 2023 đến nay đã kiểm tra 2.101 lượt tàu rời cảng, 697 lượt tàu cập cảng đảm bảo đạt tỷ lệ theo quy định; giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng 2.427 tấn; chứng nhận nguồn gốc thủy sản 65 hồ sơ với khối lượng 761 tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo đúng quy trình và không có lô hàng nào được chứng nhận bị trả về.

Theo ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo IUU tỉnh, hiện ngành nông nghiệp tổ chức triển khai các nhóm giải pháp trong ngăn chặn vi phạm IUU, phối hợp với các địa phương ven biển rà soát, kiểm tra và nắm danh sách tàu nhóm nguy cơ cao. Trong 10 ngày tới đây, ngành dốc lực để hoàn thành công tác thống kê, tổ chức tuyên truyền mềm mỏng, xử lý cứng rắn để ngư dân không vi phạm trong hoạt động khai thủy sản.

Ngành chức năng tuyên truyền và tổ chức ký cam kết với ngư dân tại Cảng cá Đề Gi (Phù Cát). Ảnh: Chi cục Thủy sản

Nói về việc tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp, ông Phạm Dân - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thành viên Ban chỉ đạo IUU tỉnh, đề xuất: “Ở giai đoạn này, cùng với tổ chức tuyên truyền, chúng ta tập trung vào việc xử lý các trường hợp vi phạm nhằm thực thi pháp luật hiệu quả theo khuyến nghị mà EC đưa ra. Các nghị định, văn bản pháp luật về xử lý vi phạm đã được quy định rất rõ ràng, do vậy chúng ta phải kiên quyết thực thi, có như vậy mới ngăn chặn vi phạm IUU. Nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trao đổi tại các cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, nếu không nghiêm khắc trong thực thi pháp luật, chúng ta đang dung dưỡng cho hành vi vi phạm IUU. Do vậy, giai đoạn này chúng ta nên tập trung vào xử lý các vụ điển hình, thậm chí là xem xét xử lý hình sự để làm gương. Ngành tư pháp dốc sức cùng với Ban chỉ đạo trong việc xem xét các hồ sơ vi phạm, đưa ra các giải pháp cùng với các thành viên nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch ngăn chặn vi phạm IUU”.

theo baobinhdinh.vn