Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc ?

07:55, 01/03/2023 (GMT+7)

Thông tin Bộ GD&ĐT dự kiến đưa Lịch sử trở thành 1 trong 4 môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang được sự quan tâm của ngành giáo dục và cả xã hội.

Thông tin trên được Bộ GD&ĐT chia sẻ sơ bộ trong dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Toán,  Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ. 

Là cơ hội…

Từ lâu, câu chuyện về tầm quan trọng của môn Lịch sử trong chương trình đào tạo phổ thông đã trở thành chủ đề tranh luận trên nhiều diễn đàn. Bày tỏ vui mừng khi tiếp nhận thông tin này, theo thầy Nguyễn Văn Cường, Tổ trưởng tổ Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bậc THPT. Việc Lịch sử góp mặt trong môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT là hợp lý, đúng đắn.

“Môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình GDPT mới thì việc trở thành môn thi bắt buộc là hợp lý. Tôi rất ủng hộ. Lịch sử là môn học giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc”, thầy Cường chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, nhiều giáo viên bày tỏ đồng thuận việc dự kiến đưa môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Thầy Đặng Ngọc Trung, Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Công dân - Thể dục - Quốc phòng, người trực tiếp dạy bộ môn Lịch sử tại Trường THPT Trần Cao Vân cho hay, điều đó đồng nghĩa đã có nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí, vai trò của bộ môn Lịch sử trong chương trình GDPT. Phương án chọn môn Lịch sử là 1 trong 4 môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 hoàn toàn phù hợp với chương trình tổng thể của chương trình GDPT mới, khi Lịch sử là 1 trong 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Chốt sớm để chủ động thực hiện

Dù cho rằng Bộ GD&ĐT đưa môn Lịch sử vào kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp, song thầy Đặng Ngọc Trung cho rằng gần 1 năm thực hiện chương trình GDPT mới ở cấp THPT cần tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, đưa ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn của giáo viên và học sinh khi thực hiện chương trình mới. Việc tổ chức thi tốt nghiệp theo chương trình GDPT mới cần có lộ trình, phù hợp với từng nhóm học sinh học 3 năm, 7 năm và 12 năm.

Để giáo viên, học sinh tiếp cận với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Bộ nên sớm có hướng dẫn về nội dung thi, cấu trúc bảng đặc tả, ma trận, đề minh họa, hình thức thi, để từ đó giáo viên có sự điều chỉnh, đầu tư phù hợp vào bài giảng trên lớp cũng như xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm phục vụ cho việc ôn luyện của học sinh.

Đi vào cụ thể sách giáo khoa Lịch sử theo chương trình GDPT mới, một giáo viên dạy Lịch sử ở một trường THPT tại TX An Nhơn (đề nghị không nêu tên) cho rằng sách giáo khoa đã có đổi mới về hình thức, nội dung cập nhật nhiều kiến thức mới, hấp dẫn, nhưng do phải chuyển từ môn học tự chọn qua bắt buộc, nội dung kiến thức một số bài học, một số mục đã cắt giảm điều chỉnh cho phù hợp gây khó khăn cho giáo viên giảng dạy khi nội dung bị đứt đoạn, rời rạc. Hiện theo chương trình GDPT mới có nhiều bộ sách giáo khoa, việc thi tốt nghiệp sắp tới nội dung thi cần có sự thống nhất như thế nào?

“Trước hết, việc môn Lịch sử có trở thành môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 hay không Bộ GD&ĐT nên có quyết định sớm, kèm theo đó phải xây dựng lộ trình để nhà trường, giáo viên, học sinh có thể tiếp cận kỳ thi chủ động, thuận lợi. Thứ hai, nên thảo luận với các trường đại học về việc chọn các tổ hợp môn xét tuyển, trong đó có chú ý đến môn Lịch sử. Thứ ba, nên tăng thời lượng cho môn Lịch sử vì thời lượng của môn học này hiện nay còn ít, chỉ có 1 - 1,5 tiết/tuần”, thầy Cường kiến nghị.

Ông Đỗ Kim Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, cũng cho rằng Bộ GD&ĐT cần sớm xây dựng và công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018. Trên cơ sở đó nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học bộ môn phù hợp với từng đối tượng học tập (học sinh học chuyên đề và học sinh không học chuyên đề). Yêu cầu giáo viên bộ môn dạy bám sát vào chương trình giáo dục môn học; đổi mới phương pháp dạy học phát huy năng lực, phẩm chất học tập của học sinh; xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với yêu cầu môn học. Tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo đúng định hướng mà Bộ GD&ĐT đưa ra…

theo baobinhdinh.vn