Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2023: Không quá căng thẳng, song không chủ quan

07:59, 07/06/2023 (GMT+7)

Theo nhận định từ cơ quan chuyên môn, dù chịu ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, song tình hình hạn hán trong tỉnh không quá căng thẳng. Nhờ được dự báo sớm, đã có kinh nghiệm ứng phó, tích cực chuẩn bị nên đến nay, các địa phương đều ổn định sản xuất; người dân đã nắm bắt được thông tin và cùng chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với thời tiết. Ảnh: THU DỊU

Ngày 24.5.2023, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 09/CT-UBND tỉnh về tăng cường các giải pháp ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn năm 2023. Trên cơ sở chỉ thị của UBND tỉnh, phóng viên Báo Bình Định ghi nhận đánh giá của các cơ quan chuyên môn, các địa phương và người dân về mức độ ứng phó và giải pháp thực hiện.

ÔNG HỒ ĐẮC CHƯƠNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT, ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ HUY PCTT - TKCN & PHÒNG THỦ DÂN SỰ TỈNH:

Chủ động phương án ứng phó ngay từ đầu năm

 

Năm nay, nắng gay gắt hơn so với nhiều năm, song tình trạng hạn hán không quá lớn, không ngoài tiên liệu của chúng ta. Ngay từ đầu năm, trên cơ sở dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất thích ứng với sự biến đổi của thời tiết. Dự báo hiện tượng El Nino vào cuối năm 2023 đã được cảnh báo sớm, do vậy kế hoạch sản xuất của ngành đã có sự điều chỉnh.

Sau vụ Đông Xuân, toàn tỉnh đã kiểm đếm nguồn nước tới các hồ chứa, từ đó lên phương án sản xuất vụ Hè cuốn chiếu sau vụ Đông Xuân ở các vùng có nguy cơ thiếu nước như Phù Mỹ; các xã Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn)... Vụ Thu sản xuất tập trung ở các vùng ổn định nước tưới. Cùng với đó, để giảm thiểu tình trạng thất thoát nước, chúng tôi khuyến cáo và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tưới ướt - khô xen kẽ… Rất may mắn là tỉnh ta vừa có đợt mưa tiểu mãn vào cuối tháng 5, nhờ đó đã bổ sung thêm nước cho các hồ chứa và giảm lượt tưới, nhờ vậy tác động của hạn hán cũng bớt gay gắt.

Đến thời điểm này, chúng tôi có thể nhận định mọi việc đang nằm trong tầm kiểm soát, tuy nhiên vẫn phải theo dõi sát tình hình, không chủ quan để đảm bảo kết quả tốt.

ÔNG LƯƠNG NGỌC LŨY, PHÓ GIÁM ĐỐC ĐÀI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN BÌNH ĐỊNH:

Cập nhật liên tục biến động thời tiết

 

Từ tháng 6.2023, hiện tượng ENSO chuyển từ trạng thái trung tính sang El Nino và khả năng kéo dài cho tới đầu năm 2024. Do vậy, nền nhiệt trung bình năm 2023 tăng so với các năm trước, tình trạng nắng nóng ở khu vực tỉnh Bình Định ngày càng gay gắt, dự báo nguy cơ nắng hạn cục bộ xảy ra.

Cùng với nắng nóng gay gắt, từ tháng 9.2023 đến cuối năm nhiều khả năng tỉnh Bình Định phải hứng chịu tình trạng mưa lũ cực đoan, chịu ảnh hưởng của 1 - 2 cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo lẫn cường độ lớn. Do vậy, để chủ động ứng phó, Đài khí tượng thủy văn Bình Định cập nhật liên tục các biến động về thời tiết trên địa bàn tỉnh, cập nhật tới các vùng trong tỉnh, thông tin từng ngày để chính quyền các cấp và bà con nhân dân chủ động ứng phó.

ÔNG LÊ TRUNG CANG, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI BÌNH ĐỊNH:

 

Sẵn sàng điều tiết nước trong tình huống hạn hán

Hiện nay, 63 hồ chứa lớn thuộc quản lý của Công ty đang được vận hành đúng quy trình, điều tiết nước tưới tiêu hợp lý. Có 52 hồ chứa đảm bảo tưới cho vụ Hè và Thu, 11 hồ chứa có nguy cơ thiếu từ 1 - 2 đợt tưới.

Đến nay, qua kiểm đếm các hồ chứa của công ty quản lý tích nước đạt 70% dung tích thiết kế, riêng 11 hồ chứa có nguy cơ được bổ sung thêm nước cuối tháng 5 vừa qua, do vậy chúng tôi nhận định tình hình hạn hán hoặc nguy cơ thiếu nước trong năm nay không quá căng thẳng. Cùng với đó, ngay từ đầu vụ, công ty đã có kế hoạch tưới để đảm bảo sản xuất, giảm thiểu tình trạng thất thoát nước.

ÔNG NGUYỄN BÁ TIẾN, GIÁM ĐỐC XÍ NGHIỆP THỦY LỢI 2,  PHỤ TRÁCH QUẢN LÝ HỆ THỐNG THỦY LỢI PHÙ CÁT - PHÙ MỸ:

 

Đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất

Chúng tôi luôn sẵn sàng các phương án để ứng phó với hạn hán. Về cơ bản, năm nay các diện tích tưới tiêu thuộc quản lý của xí nghiệp được rà soát và tổ chức phân bổ nước hợp lý. Hiện nay, lúa vụ Hè ở Phù Mỹ đang vào giai đoạn trỗ, chúng tôi làm việc với các HTXNN để phân bổ nước về, đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng tốt. Hiện nay, các chân ruộng vụ Hè chỉ còn một đợt tưới nữa, với lượng nước hồ chứa hiện có đảm bảo cho sản xuất. Với các chân ruộng vụ Thu, Xí nghiệp cùng với các HTXNN theo dõi sát tình hình, tổ chức phân bổ và tưới luân phiên hợp lý.

ÔNG PHẠM DŨNG LUẬN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN PHÙ CÁT:

 

Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ

Với huyện Phù Cát, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ là một trong những giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi thời tiết, ứng phó với hạn hán.

Năm nay, huyện tiếp tục chuyển đổi mạnh từ đất trồng lúa 3 vụ sang 2 vụ/năm, chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng hoa màu. Bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi, chuyển đổi mạnh ở các diện tích thiếu nước; với cây lúa áp dụng tưới ướt - khô xen kẽ… Toàn huyện thực hiện chuyển đổi vụ Hè và Thu là 1.089 ha, trong đó chuyển đổi trên đất lúa 794 ha, trên đất mì 295 ha; chuyển từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/năm 154 ha.

BÀ NGUYỄN THỊ BÍCH SƯƠNG, NÔNG DÂN XÃ CÁT TÀI (PHÙ CÁT):

 

Chuyển đổi trồng rau màu trên đất lúa để tăng giá trị kinh tế

Gần 5 năm nay, nhờ sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, bà con nông dân chỉ sản xuất lúa vụ Đông Xuân, vụ Hè và vụ Thu chuyển sang trồng rau màu, chủ yếu là dưa và đậu phụng. Riêng nhà tôi chuyển qua trồng dưa lê. So với làm 2 vụ lúa/năm, việc chuyển đổi sang 1 vụ lúa, 1 vụ rau màu mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Khi chuyển qua làm màu thì chúng tôi cho đất nghỉ ngơi, chọn những cây trồng thích hợp với chân đất ruộng chuyển đổi, việc chuyển đổi này không chỉ giúp bà con tận dụng diện tích đất sản xuất phù hợp mà còn giúp giảm thiểu các chi phí đầu tư so với làm 2 vụ lúa.                          

theo baobinhdinh.vn