Vụ Ðông Xuân 2022 - 2023: Chủ động phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc cây trồng

09:26, 11/01/2023 (GMT+7)

Theo ngành nông nghiệp, vụ Ðông Xuân năm 2022 - 2023, các địa phương tổ chức xuống giống đúng kế hoạch, tuân thủ lịch thời vụ. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp, nguy cơ sâu bệnh hại tăng lên, công tác chăm sóc bảo vệ cây trồng được chú trọng để đảm bảo năng suất và sản lượng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), hiện nay, toàn tỉnh đã gieo sạ 45.651/47.050 ha lúa Đông Xuân 2022 - 2023. Trong đó, lúa chân cao sạ cưỡng 1.577 ha đang giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái; lúa chân 3 vụ 5.230 ha đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa chân 2 vụ 38.844 ha giai đoạn 3 lá - đẻ nhánh. Về cây trồng cạn, hiện nông dân đã xuống giống cây bắp 116 ha, đậu phụng 314 ha, rau các loại 1.047 ha, đậu các loại 593 ha… Hiện nay, vào thời điểm cuối tháng Chạp, song địa bàn tỉnh Bình Định vẫn có mưa và lạnh, chỉ tính riêng đợt mưa ngày 7 -10.1, trên địa bàn TP Quy Nhơn hơn 516 ha lúa vụ Đông Xuân đã gieo sạ bị ngập úng. Ngoài ra, thống kê từ các địa phương trong tỉnh, một số diện tích ngập úng trong thời gian ngắn có thể phục hồi, bà con đang tiến hành sạ lại. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp với các địa phương kiểm tra tình hình sản xuất để tham mưu ngành nông nghiệp ban hành các giải pháp phù hợp, giúp bà con nông dân ổn định sản xuất.

Vụ Đông Xuân là vụ sản xuất chính trong năm, chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất nông nghiệp cả năm của tỉnh và cũng là vụ sản xuất thường gặp nhiều khó khăn: Lũ lụt, thời tiết rét lạnh, các loại sâu bệnh nhất là chuột, rầy nâu, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại nặng làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất. Do vậy, hằng năm để đảm bảo hoạt động sản xuất vụ này, ngành nông nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất thích ứng với điều kiện và biến đổi khí hậu, hướng dẫn các địa phương chủ động ban hành lịch thời vụ và cơ cấu giống phù hợp. Đồng thời, phía Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng xây dựng dự báo một số đối tượng dịch hại có khả năng gây hại trước, trong và sau tết Quý Mão 2023 và các giải pháp phòng ngừa, chăm sóc cây trồng phù hợp.

Cụ thể, Chi cục đã phân bổ thông tin về nhóm sâu bệnh hại cho cây lúa như rầy nâu, rầy lưng trắng, đạo ôn, chuội…; đối với cây trồng cạn có bệnh sâu cuốn lá mùa thu trên cây bắp; cây sắn có bệnh khảm lá…; rau màu thì có một số bệnh sâu cuốn lá thường gặp trong thời tiết diễn biến thất thường.

Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay, Chi cục đã khuyến cáo và dự báo về tình hình sâu bệnh hại; cách phòng ngừa và chăm sóc cho cây trồng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Chi cục tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự báo chính xác thời điểm phát sinh của các đối tượng sâu bệnh hại trên các loại cây trồng. Riêng thời điểm trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chú trọng các bệnh như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn đối với cây lúa; sâu keo mùa thu đối với cây bắp.

“Các công tác về dự báo đối tượng sâu bệnh hại, các giải pháp phòng ngừa, chăm sóc và diệt trừ sâu bệnh hại được Chi cục thông tin và hướng dẫn tới các địa phương. Cùng với đó, phía Chi cục tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch, đề xuất chính quyền địa phương các cấp nên chủ động hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Tiếp tục triển khai công tác diệt chuột thường xuyên, liên tục từ nay cho đến cuối vụ Đông Xuân 2022 - 2023. Ngoài các giải pháp cụ thể, việc ứng dụng biện pháp KHKT, công nghệ trong sản xuất như thâm canh lúa cải tiến SRI áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM; kết hợp xen canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; lựa chọn bộ giống đủ tiêu chuẩn, giống được chứng nhận giúp cho cây trồng phát triển tốt, chống chịu được với sâu bệnh hại…”, ông Kiều Văn Cang thông tin thêm.               

Theo baobinhdinh.vn